Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu thực hiện 05 nguyên tắc, 06 nhiệm vụ trong phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả bão số 03
Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT và TKCN) và một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Quang cảnh cuộc họp.
Theo thông tin từ các địa phương, tính đến 07h00’ ngày 10/9/2024, mưa lũ đã làm 19 người chết, 11 người mất tích, 21 người bị thương tại thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn, huyện Si Ma Cai, huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát. Có 4.067 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi; hiện nhiều khu vực của thành phố Lào cai, các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà bị ngập, chưa xác định được mức độ thiệt hại. Có khoảng trên 2.000 lúa, ngô, hoa màu, sắn, cây trồng hàng năm, cây lâm nghiệp bị gãy đổ, thiệt hại; gần 33 ha diện tích thủy sản bị thiệt hại; 391 tấn cá thương phẩm bị chết, lũ cuốn trôi do vỡ ao, bể; 11 trang trại chăn nuôi bị hư hỏng...
Trên địa bàn tỉnh có 46 xã, 85 thôn đang bị cô lập do đường giao thông bị ngập nước, sạt lở. Các tuyến Quốc lộ 4, 4D, 279, 70 có rất nhiều vị trí bị sạt ta luy dương, ta luy âm, ngập nước gây ách tắc giao thông. Các tuyến đường tỉnh từ 151 - 162 có rất nhiều vị trí bị sạt ta luy dương, ta luy âm, ngập nước, gây ách tắc giao thông cục bộ. Đường do huyện, xã quản lý bị sạt lở, hư hỏng 192 tuyến; nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Lào Cai bị ngập nước do lũ trên sông Hồng. Ngoài ra có 19 công trình thủy lợi, 03 trạm y tế, 32 trường, 01 nhà văn hóa, 01 trụ sở xã bị hư hỏng, ảnh hưởng, thiệt hại. Nhiều thiệt hại khác về viễn thông, các trạm điện, dây điện, tài sản của Nhân dân bị hư hỏng do ngập lụt (hiện đang thống kê).
Đại điện VNPT Lào Cai thông tin về tình hình thiệt hại và biện pháp khắc phục, đảm bảo thông tin liên lạc tại một số địa phương.
Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức di chuyển khẩn cấp 2.120 hộ với 9.006 nhân khẩu ở các khu vực nguy hiểm, bị ngập lụt đến nơi an toàn ngay trong ngày 08/9 và sáng ngày 09/9/2024. Do lực lượng cứu hộ, cứu nạn mỏng; phương tiện, trang thiết bị còn thiếu; khu vực người dân bị ngập quá rộng; dòng chảy lũ xiết vì vậy công tác hỗ trợ giúp người dân sơ tán trong khu vực bị ngập úng còn gặp nhiều khó khăn, một số nơi chưa tiếp cận được. Thời gian mưa kéo dài, cường độ lớn, lượng mưa nhiều; một số nơi mất điện, mất sóng không liên lạc được.
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh trước tiên phải ưu tiên khắc phục, đảm bảo về hệ thống điện, thông tin liên lạc, giao thông và nước sạch cho người dân. Đối với công tác thống kê thiệt hại do bão lũ gây ra, đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện trên tinh thần đảm bảo đầy đủ, chính xác, thiệt hại đến đâu thống kê đến đó để có phương án hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tham gia một số ý kiến và đề xuất các biện pháp, phương án khắc phục hậu quả bão lũ. Theo đó, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan cần cung cấp thông tin về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả thiên tai chính xác, nhanh chóng để Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kịp thời định hướng, chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền, thông tin đến người dân.
Lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh tham gia ý kiến tại cuộc họp.
Lãnh đạo Công an tỉnh cho biết trong những ngày qua đã huy động, bố trí lực lượng ứng trực, cứu nạn cứu hộ người dân và tài sản tại các địa điểm bị ảnh hưởng mưa lũ, sạt lở, ngập úng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Với khối lượng công việc lớn, thời gian gấp rút nên các lực lượng rất vất vả; do đó đề nghị cần tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, chính quyền địa phương để thực hiện hiệu quả công tác ứng phó, hỗ trợ người dân khắc phục thiên tai, nhất là về giao thông. Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng cho biết đã chỉ đạo, lên phương án chuẩn bị xuồng, thiết bị thông tin liên lạc để tiếp cận với các khu vực đang bị chia cắt, cô lập.

Đồng chí Lý Văn Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết sẽ nghiên cứu, bố trí nguồn kinh phí từ Quỹ Cứu trợ tỉnh để mua hàng hóa là các nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ người dân vùng mưa lũ đang bị chia cắt, cô lập. Đến nay có một số cơ quan, đơn vị, tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm nhưng còn nhỏ lẻ, rải rác; vừa qua Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cũng đã có thông báo ủng hộ tỉnh Lào Cai 05 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, các đồng chí Thường trực UBND tỉnh đề nghị trước hết cần ưu tiên triển khai ngay việc hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng mưa lũ, đặc biệt là những xã, khu vực đang bị chia cắt, cô lập. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh là cơ quan chủ trì thực hiện và phối hợp với lực lượng chức năng công an, quân sự… để phân phối đến người dân; cùng với đó Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ. Đồng thời cần đẩy mạnh, tăng cường công tác truyền thông về tình hình mưa lũ và sau bão lũ; đối với những sai phạm trong lĩnh vực này, yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông cần phải xử lý ngay. Bên cạnh đó cần xử lý nghiêm việc cản trở người thi hành công vụ trong công tác phòng chống bão lũ, cứu nạn cứu hộ. Cần sớm thông suốt các điểm sạt lở, ngập úng trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường huyện, đường xã và đảm bảo thông tin liên lạc để kịp thời trao đổi, vận chuyển hàng hoá cứu trợ người dân.

Đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cho biết: Trong ngày hôm qua đã có sự trao đổi kịp thời với phía Trung Quốc về việc xả lũ trên các sông suối biên giới và đã đạt được một số kết quả nhất định. Đồng chí đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chức năng, đặc biệt là công an, quân đội, quân sự, dân quân tự vệ… đã thực hiện tốt công tác cứu hộ cứu nạn người và tài sản trong mưa lũ; công tác thông tin, truyền thông, dự báo cũng được các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện kịp thời, nhanh chóng, liên tục…
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí Thường trực UBND tỉnh: Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác hậu cần, hỗ trợ hàng hoá cho người dân. Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phụ trách công tác thống kê thiệt hại do thiên tai; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo theo quy định pháp luật. Đồng chí Nguyễn Trọng Hài đôn đốc ngành giao thông, các địa phương khắc phục các tuyến đường sạt lở, ngập úng; phối hợp thống kê thiệt hại các công trình, dự án đầu tư công…
Để thực hiện hiệu quả công tác PCTT và TKCN, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần thực hiện 05 nguyên tắc: (1) Thực hiện song song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, không coi nhẹ nội dung nào (2) Nắm chắc tình hình tại cơ sở, địa phương thì có phương án tổ chức triển khai khắc phục; (3) Không được lơ là, chủ quan trong công tác PCTT từ hệ thống chính trị cho đến người dân, doanh nghiệp, tổ chức; (4) Cần phải đảm bảo an toàn cho lực lượng chức năng cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ Nhân dân; (5) Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tiếp tục nắm bắt cơ sở, thường xuyên thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường kết luận cuộc họp.
Đồng thời cần tập trung 06 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó tập trung khắc phục cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông với quyết tâm cao nhất trong ngày hôm nay sẽ đảm bảo thông được các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; trong vòng 02 ngày hoàn thiện xong việc thông các tuyến đường huyện, xã. Về điện, đối với 03 huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương cần triển khai lại việc cấp điện trở lại cho các địa phương này trước 18 giờ. Đối với một số xã tại huyện Bát Xát đến nay vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, giao thông, chưa có điện; trong ngày hôm nay cần tìm phương án tiếp cận, hỗ trợ người dân. Đối với huyện Bảo Yên, trong ngày hôm nay cần khắc phục ngay trạm viễn thông tại khu vực trung tâm để đảm bảo thông tin liên lạc. Cần hết sức khẩn trương cung cấp nhu yếu phẩm, nước sạch cho người dân tại Si Ma Cai do còn gặp rất nhiều khó khăn.
Thực hiện công tác cứu trợ đảm bảo thống nhất một đầu mối, đảm bảo kịp thời, công bằng, tránh lãng phí. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là cơ quan chủ trì thực hiện công tác cứu trợ; ra lời kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ trong ngày hôm nay; bố trí kinh phí để mua nhu yếu phẩm chi viện cho huyện Si Ma Cai và một số địa phương khác bị ảnh hưởng mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay Bảo Yên đang ngập cao, tình hình gặp nhiều khó khăn. Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với huyện Bảo Yên nghiên cứu, bố trí phương tiện xuồng trước đến địa phương để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời khẩn trương thực hiện công tác khôi phục hệ thống điện, thông tin liên lạc; hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân...
Về công tác thống kê thiệt hại, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực thành lập các tổ công tác phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố để rà soát, thống kê trên tinh thần hỗ trợ kịp thời cho người dân để ổn định cuộc sống, sản xuất; tập trung ưu tiên hỗ trợ thiệt hại về nhà ở, cây trồng, vật nuôi; vừa hỗ trợ thiệt hại vừa khôi phục sản xuất.
Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị định hướng công tác tuyên truyền; tiếp tục tăng cường đăng tải gương người tốt, việc tốt, đặc biệt là các lực lượng quân đội, công an, biên phòng, nhà hảo tâm...; không để xuất hiện thông tin xấu, sai lệch về tình hình bão lũ. Sở Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, tránh gây hoang mang dư luận xã hội.
Về cung cấp hàng hoá, vật tư, ngoài đảm bảo hệ thống điện, đề nghị khôi phục lại hoạt động của các cây xăng dầu trên địa bàn tỉnh cung cấp nhiên liệu cho người dân sử dụng phương tiện di chuyển, đi lại. Đồng thời có phương án cân đối nhu yếu phẩm hỗ trợ cho người dân tại các địa phương; cung cấp và đảm bảo giá cả đối với các mặt hàng; tránh tình trạng lợi dụng khó khăn để trục lợi, nâng giá…/.