image banner
Lào Cai: Tích cực hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản
Lượt xem: 147
CTTĐT - Giúp người nghèo tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống là mục tiêu hướng đến của tỉnh Lào Cai.
anh tin bai
 

Cây quýt giúp bà con huyện Mương Khương (Lào Cai) tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Theo quy định trước năm 2016, hộ nghèo xét theo tiêu chí cũ là đơn chiều, chủ yếu dựa vào thu nhập. Do đó, sau khi rà soát, nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Từ năm 2016 đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững triển khai thực hiện với mục tiêu giảm nghèo đa chiều. Người nghèo được tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được hưởng lợi đầu tư cơ sở hạ tầng, được nâng cao dân trí, đào tạo việc làm và hỗ trợ nhiều nguồn lực khác để sản xuất - kinh doanh. Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường theo hướng đa chiều giúp xác định đối tượng nghèo chính xác, cụ thể, không bỏ sót, bảo đảm công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chung là giảm nghèo, đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Chương trình bao gồm 7 dự án: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.

Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch để triển khai công tác giảm nghèo và an sinh xã hội hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, lồng ghép kinh phí các chương trình, đề án có liên quan trên địa bàn, phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân, tổ chức thực hiện.

Với đặc thù là các hộ nghèo đều thuộc địa bàn các xã vùng cao, miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án số 10-ĐA/TU ngày 11/12/2020  về “Giảm nghèo bền vững” tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 08/02/2021 triển khai thực hiện Đề án Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu chung là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn để hướng tới thoát khỏi tình trạng nghèo đặc biệt khó khăn; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới mỗi năm giảm bình quân 3-5%.

Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện đảm bảo, kịp thời các chính sách của nhà nước hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đẩy mạnh triển khai các dự án thành phần Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 20-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến 2025, có xét đến năm 2030; các đề án trọng tâm của Tỉnh ủy, giai đoạn 2020 -2025 nhằm góp phần giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, từ năm 2021 đến ước hết năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo giảm bình quân là 4,96%/kế hoạch từ 3-5%/năm đạt mục tiêu đề ra.

Theo kết quả rà soát sơ bộ năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn lại là 26.791 hộ/179.305 hộ trên địa bàn, chiếm 14,94 % so với tổng số hộ trên địa bàn; tổng số hộ cận nghèo còn lại 18.375 hộ/179.305 hộ, chiếm 10,25 % so với tổng số hộ trên địa bàn, trong đó tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Lào Cai đã kịp thời tham mưu phân bổ vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến thời điểm hiện tại đã giải ngân trên là 476 tỷ đồng, đạt 50,9% kế hoạch vốn giao. Tuyển sinh và đào tạo nghề cho lao động được trên 38.500 người, đạt 66,5% so với mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025.

Đặc biệt, việc lồng ghép tín dụng chính sách với các mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh với phương châm "giảm dần việc cho không, cấp không sang hình thức cho vay qua Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi"; cân đối vốn địa phương thực hiện cho vay phát triển kinh tế xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% trên địa bàn tỉnh, mỗi năm tối thiểu 1 tỷ đồng/năm. Theo đó, số vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 từ năm 2021-2023 đạt 122 tỷ đồng. Kết quả, tổng số lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng cho vay khác vay vốn từ năm 2021 đến tháng 9/2023 là 583.656 lượt hộ, doanh số cho vay là 3.386 tỷ đồng.

Theo Sở Y tế tỉnh, để tăng cường hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo trong lĩnh vực y tế, các cơ sở y tế triển khai thực hiện tốt các chính sách trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo. Người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi trả tiền thuốc, vật tư y tế, dịch vụ từ nguồn bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí tiền ăn, tiền đi lại từ nguồn chính sách giảm nghèo của tỉnh đã giúp cho người bệnh yên tâm điều trị, giảm bớt chi phí gia đình. Kết quả, tính đến tháng 10/2023 đạt 72,4% xã đạt tiêu chí mới (Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 09/3/2023 của Bộ Y tế), 100% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt 91,2%.

Cùng với đó, nhờ sự đóng góp của các tổ chức, tập thể, doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh thông qua Quỹ “Vì người nghèo” từ năm 2021 đến nay, Lào Cai đã thực hiện hỗ trợ xây dựng trên 2.345 nhà cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu cải thiện về nhà ở, giúp các hộ nghèo xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, tiếp cận thông tin các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.

Từ những kết quả trên cho thấy, việc tiếp cận nghèo theo hướng đa chiều sẽ tạo cơ hội cho người nghèo được hưởng đầy đủ các loại dịch vụ xã hội cơ bản hơn. Thông qua phương pháp tiếp cận nghèo này, sẽ đánh giá được mức độ thay đổi các nhu cầu dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tại từng địa phương. Từ đó xây dựng các chính sách cụ thể, đầu tư đúng và trúng theo từng vùng, lĩnh vực, từng bước giảm dần mức độ thiếu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư./.

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1