image banner
Tích cực giúp người dân tiếp cận thông tin để giảm nghèo hiệu quả
Lượt xem: 92
CTTĐT - Thực hiện tiểu dự án 1 giảm nghèo về thông tin (thuộc dự án 6 truyền thông và giảm nghèo về thông tin) của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, Lào Cai đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để người dân được tiếp cận nguồn thông tin hữu ích, thay đổi nhận thức, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Đa dạng kênh thông tin đến người dân

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, thiếu hụt thông tin là một trong những chỉ số thuộc tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Bởi vậy, giảm nghèo về thông tin là một trong những tiểu dự án quan trọng của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn này. Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, để người dân tiếp cận thông tin thuận lợi, việc phổ cập dịch vụ Internet, phổ cập mạng di động, tăng cường chuyển đổi số, đưa thông tin về cơ sở... có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo đó, chỉ tính riêng trong 8 tháng năm 2024, các cơ quan báo chí truyền thông, thông tin cơ sở, mạng xã hội đã thông tin, tuyên truyền kịp thời các nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với gần 500 tin bài/chủ đề. Trong đó, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh duy trì hiệu quả các chuyên mục như: Chương trình thời sự, Chuyển đổi số, Cải cách hành chính; Sao OCOP; Nông nghiệp - Nông thôn; Xây dựng nông thôn mới;… Báo Lào Cai sản xuất nhiều sản phẩm báo chí số (thể loại infographic) với các nội dung về truyền thông chính sách, trong đó có chính sách giảm nghèo để lan tỏa trên nền tảng số.

Đặc biệt, triển khai mô hình truyền thông chính sách trên nền tảng số, thời gian qua đã thực hiện truyền thông 07 nội dung có liên quan đến hộ nghèo, người nghèo, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là những chính sách tác động lớn đến an sinh xã hội và giảm nghèo, cụ thể: chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng gỗ lớn; quy định hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai; mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình từ 1/7/2024; đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Trường hợp được miễn tiền sử dụng đất từ ngày 1/8/2024; mức hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn. Cùng với đó, hệ thống loa truyền thanh cơ sở thực hiện tuyên truyền đều đặn các nội dung về phổ biến cơ chế chính sách, về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.

Theo số liệu thống kê, hiện nay với 7.363 thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chuyển đổi số; hỗ trợ người dân, hộ sản xuất, kinh doanh đưa các sản phẩm, hàng hóa lên sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, hạ tầng mạng viễn thông đảm bảo phủ sóng truy nhập băng rộng di động đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 99% trung tâm thôn, tổ dân phố; đường truyền cáp quang được kết nối đến 100% số xã, 85,6% thôn, tổ dân phố. Các nền tảng số phục vụ người dân khu vực nông thôn như: Hệ thống phản ánh hiện trường; App Lào Cai số; Sổ sức khỏe điện tử; các nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thương mại điện tử được triển khai rộng rãi.

anh tin bai

Chảo Yến tích cực ứng dụng công nghệ số để quảng bá sản phẩm của HTX Tri thức - Bản địa Goong.

Thay đổi nhận thức, mở hướng thoát nghèo

Một trong những nội dung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; đó là thông qua việc rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh, đề xuất thiết lập Đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng viễn thông của từng huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, hệ thống thông tin cơ sở được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Nhờ triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp phù hợp; tính đến nay, toàn tỉnh đã có 96,7% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 91,8% các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

Được tiếp cận các thông tin về chính sách, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, nhiều người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, chủ động vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như gia đình chị Tráng Thị Liên, thôn Sín Chải, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, trước đây, cũng như nhiều hộ nghèo khác trong thôn, rất khó khăn khi tìm hướng đi trong việc phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo. Qua nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về trồng cây, chăn nuôi của xã, xem tivi, nghe đài, truy cập mạng internet, gia đình chị đã dần thay đổi nhận thức, tự lực xây dựng mô hình kinh tế để thoát nghèo. Từ khu đồi dốc, đất đai khô cằn trước đây chủ yếu trồng ngô, gia đình chị đã cải tạo thành khu vườn trồng mận Tam hoa. Để tận dụng diện tích dưới tán mận, chị Liên đã tìm hiểu đưa vào trồng các loại rau màu phù hợp như rau ngót, bắp cải, bí... tạo thành mô hình trồng rau dưới tán cây Mận. Chị còn kết hợp chăn nuôi lấy nguồn phân hữu cơ để sản phẩm rau, quả luôn đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Đến nay, mô hình trồng rau dưới tán Mận của gia đình chị đã ổn định, tạo thu nhập tốt cho gia đình. Từ đó, mô hình của Chị Liên được Chi hội Phụ nữ Sín Chải nhân rộng trong hội viên phụ nữ trên địa bàn, từng bước hình thành vùng sản xuất rau, hoa quả sạch được nhiều tư thương tìm đến đặt hàng, giúp hội viên phụ nữ có thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, cô gái trẻ Chảo Yến là người Dao đầu tiên của xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát được nhận học bổng toàn phần để du học thạc sỹ. Sau khi hoàn thành khóa học cô gái người Dao quyết định trở về phát triển bản thân trên chính bản làng của mình. Tháng 7/2023, Chảo Yến chính thức trở thành Giám đốc Hợp tác xã Tri thức - Bản địa Goong. Hoạt động của hợp tác xã với mục đích đẩy mạnh thương mại các sản phẩm của người Dao, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm tri thức bản địa đã được tích lũy từ hàng ngàn năm, như việc sử dụng các loại cây, lá rừng để chữa bệnh, các bài thuốc Nam, hay các sản phẩm nông sản được canh tác theo hướng thuận tự nhiên. Hợp tác xã tập hợp 9 hộ gia đình bản địa, tập trung phát triển những bài thuốc Nam, dược liệu, nông sản, những sản phẩm tri thức của người Dao. Với sự thành thạo, nhanh nhẹn trong việc sử dụng công nghệ, Chảo Yến cùng các thành viên trong hợp tác xã đã tích cực sử dụng lợi thế của mạng xã hội, ứng dụng công nghệ số để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương đến khách hàng gần xa. Sau hơn một năm thành lập hợp tác xã do Yến đứng đầu, đến nay đã quảng bá thành công một số mặt hàng như: Miến sâm đất, lá tắm dao đỏ, mật ong rừng...Đặc biệt, các bài thảo dược của người Dao cũng được đông đảo người dân quan tâm và đặt hàng; qua đó tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên của hợp tác xã có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Thời gian tới để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả; ngành Thông tin và Truyên thông tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh, đề xuất thiết lập Đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng viễn thông của từng huyện, thị xã, thành phố. Phấn đấu 23 xã trên địa bàn tỉnh được đầu tư truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông-VT. Hướng dẫn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, góp phần đảm bảo các cụm loa truyền thanh hoạt động thường xuyên tại các thôn, tổ dân phố phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền về giảm nghèo.Triển khai truyền thông chính sách trên nền tảng số, ưu tiên các nội dung chính sách về hộ nghèo, hộ cận nghèo, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông đầu tư hạ tầng, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu vực khó khăn nói riêng và toàn tỉnh nói chung./.

Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1