image banner
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11
Lượt xem: 128
CTTĐT - Quy định về giảm tiền thuê đất, nâng định mức sắm ôtô công và quy chế thông tin trên môi trường mạng của Bộ Công an... có hiệu lực từ tháng 11.

Giảm 30% tiền thuê đất cho một số đối tượng trong năm 2023

Theo Quyết định 25/2023 của Thủ tướng có hiệu lực từ ngày 20/11, đối tượng được giảm là tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Quy định này áp dụng cho cả người thuê đất không thuộc diện được miễn giảm, hết thời hạn hoặc trường hợp đang được giảm theo quy định về đất đai...

Tuy nhiên, mức giảm này không gồm số còn nợ trước 2023 và tiền chậm nộp. Trường hợp đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thì mức giảm 30% được tính trên số tiền phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ.

Hồi tháng 4, Chính phủ cũng ban hành quy định gia hạn thuế và tiền thuê đất của 2023. Đây là lần thứ 5 Chính phủ đưa ra chính sách này trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm. Hai năm 2020 và 2021, Chính phủ cũng từng giảm 30% tiền thuê đất với người thuê đất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nâng định mức sắm ôtô công với một số chức danh

Từ ngày 10/11, nghị định số 72/2023/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo Nghị định bốn chức danh được sử dụng thường xuyên một ôtô không quy định mức giá, cả khi đã nghỉ công tác, là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Chức danh được sử dụng ôtô trong thời gian công tác, không quy định mức giá, gồm: Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Phó chủ tịch nước; Phó thủ tướng; Phó chủ tịch Quốc hội.

Ngoài các chức danh nêu trên, một số chức danh được sử dụng ôtô trong thời gian công tác, giá từ 1,25 đến 1,6 tỷ đồng. Mức này tăng từ 330 đến 500 triệu so với quy định năm 2019 (từ 920 đến 1,1 tỷ đồng).

Chức danh được sử dụng ôtô trong thời gian công tác với giá 1,6 tỷ đồng, gồm: Ủy viên Trung ương Đảng chính thức; Trưởng ban, cơ quan Đảng ở Trung ương; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban; Trưởng ban Công tác đại biểu, Trưởng ban Dân nguyện).

Chức danh được sử dụng ôtô giá 1,55 tỷ đồng gồm: Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Tổng Kiểm toán nhà nước; Trưởng tổ chức chính trị - xã hội trung ương được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động; Phó chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư tỉnh, thành ủy, Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương; Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại Hà Nội và TP HCM, các chức danh Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, cũng được sử dụng xe 1,55 tỷ đồng.

Bổ sung các đối tượng sau đây được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế

Ngày 19/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế.

Trong đó, bổ sung các đối tượng sau đây được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế:

"Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ".

Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho đối tượng nêu trên trong thời gian 36 (ba mươi sáu) tháng kể từ ngày 01/11/2023. Mức hỗ trợ tối thiểu bằng 70% mức đóng bảo hiểm y tế.

Quy định mới về cung cấp thông tin của Bộ Công an trên Internet

Thông tư 45/2023 của Bộ Công an quy định về cung cấp thông tin của lực lượng công an nhân dân trên môi trường mạng có hiệu lực từ ngày 15/11. Theo đó, thông tin được công an cung cấp trên môi trường mạng là công khai, không thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ và nội bộ ngành; phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân.

Trong đó có thông tin chỉ đạo, điều hành, hoạt động của lãnh đạo Bộ Công an; thông tin cung cấp cho báo chí về vấn đề liên quan công tác công an mà dư luận xã hội quan tâm; vụ án, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, xác minh mà xét thấy việc cung cấp thông tin là cần thiết.

Ngoài ra, trong danh mục này còn có nội dung Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri; lịch tiếp công dân của lãnh đạo bộ; điểm tin Interpol; thông tin về đối tượng truy nã, truy tìm; thông tin về các tổ chức, cá nhân liên quan khủng bố; cảnh báo, tố giác tội phạm; dịch vụ công trực tuyến.

Các tổ chức được thu phí xuất cảnh, nhập cảnh

 

Theo Thông tư số 62/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2021/TT-BTC ngày 7/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, từ ngày 18/11, tổ chức thu phí là Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an xã, phường, thị trấn. Tổ chức thu phí được trích lại 25% (thay cho mức 20% theo quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BTC) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí bao gồm cả các khoản chi hỗ trợ để thực hiện các nội dung sau:

Chi phí đi lại, ăn ở, thuê phiên dịch, canh giữ người nước ngoài bị lưu giữ; chi khám chữa bệnh khi người nước ngoài bị ốm; áp giải người nước ngoài cư trú trái phép, vi phạm pháp luật về nước. Chỉ sử dụng tiền phí trích lại để hỗ trợ các nội dung chi này khi cơ quan đại diện của nước có công dân vi phạm không chịu kinh phí hoặc không có cơ quan đại diện của nước có công dân vi phạm pháp luật ở Việt Nam.

Trường hợp có công bố dịch bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức thu phí được quyết định chi các nội dung chi nêu trên và các chi phí trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong xử lý các trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật.

Chi tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh.

Chi ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ công tác quản lý xuất nhập cảnh.

Chi phục vụ đàm phán, hợp tác đối với đối tác nước ngoài phục vụ công tác cấp thị thực và các giấy tờ liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài.

Bổ sung thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý xuất nhập cảnh theo quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành (nếu có).

Tổ chức thu phí nộp 75% (thay cho mức 80% hiện hành) số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Điều chỉnh mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm

Từ ngày 15/11/2023, mức thu phí khi đăng ký giao dịch bảo đảm sẽ được áp dụng theo biểu phí mới được ban hành kèm theo Thông tư 61/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính như sau:

STT

Nội dung

Mức thu

1

Phí đăng ký giao dịch bảo đảm

 

a

Đăng ký biện pháp bảo đảm lần đầu bằng động sản (trừ chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm, công trình tạm

80.000 đồng/hồ sơ

b

Đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký

60.000 đồng/hồ sơ

c

Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký thay đổi thông báo xử lý tài sản bảo đảm

30.000 đồng/hồ sơ

(Giảm 40.000 đồng/hồ sơ)

d

Xóa đăng ký biện pháp bảo đảm, xóa đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm

20.000 đồng/hồ sơ

đ

Cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm

25.000 đồng/trường hợp

(Giảm 5.000 đồng/hồ sơ)

2

Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ chứng khoản đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tàu bay), tàu biển, cây hằng năm, công trình tạm

30.000 đồng/hồ sơ

3

Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm

 

a

Cấp mã số sử dụng để tự tra cứu một lần

 

-

Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản

10.000 đồng/lần

(Bổ sung mới)

-

Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản, tiêu chí nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu

2.000 đồng/giao dịch

(Bổ sung mới)

b

Cấp mã số sử dụng để tự tra cứu thường xuyên

 

-

Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản

- 300.000 đồng/khách hàng/năm đối với yêu cầu cấp mã số trước ngày 01/7 hằng năm.

- 150.000 đồng/khách hàng/năm đối với yêu cầu cấp mã số từ ngày 01/7 hằng năm.

-

Tra cứu dữ liệu theo tiêu chí cơ bản, tiêu chí nâng cao và được cơ quan đăng ký trích xuất dữ liệu

2.000 đồng/giao dịch

(Bổ sung mới)

Hướng dẫn vị trí việc làm với nhiều lĩnh vực

 

Trong tháng 11, nhiều chính sách mới về vị trí việc làm của công chức, viên chức chính thức có hiệu lực.

Đối với chuyên ngành thống kê, Thông tư số 08/2023/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hiệu lực từ 15/11/2023 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành thống kê.

Theo đó, các ngạch công chức chuyên ngành thống kê sẽ được xếp lương như sau:

- Ngạch Thống kê viên cao cấp (mã số 23.261): Hệ số lương 6,20 - 8,00, tương đương 9,238 đến 11,92 triệu đồng/tháng.

- Ngạch Thống kê viên chính (mã số 23.262): Hệ số lương 4,40 - 6,78, tương đương 6,556 đến 10,102 triệu đồng/tháng.

- Ngạch Thống kê viên (mã số 23.263): Hệ số lương 2,34 - 4,98, tương đương 3,486 - 7,420 triệu đồng/tháng.

- Ngạch Thống kê viên trung cấp (mã số 23.264): Hệ số lương 2,10 - 4,89, tương đương 3,129 đến 7,286 triệu đồng/tháng.

- Ngạch Nhân viên thống kê (mã số 23.265): Hệ số lương 1.86 - 4,06, tương đương 2,771 đến 6,049 triệu đồng/tháng.

Đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường, Bộ TN&MT ban hành Thông tư 10/2023 hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ 20-11-2023.

Kèm theo Thông tư là danh mục danh mục vị trí việc và bản mô tả vị trí việc làm cùng khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tài nguyên và môi trường.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng ban hành Thông tư 06/2023 hướng dẫn danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp có hoạt động sự nghiệp công trong các lĩnh vực gồm: trợ giúp pháp lý; bồi thường nhà nước; lý lịch tư pháp; công chứng; đấu giá tài sản; đăng ký biện pháp bảo đảm; hỗ trợ pháp luật, tư vấn pháp luật.

Vi-tri-viec-lam-LV-Tu-phap.doc

Thông tư 06/2023 của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ 20-11-2023.

Các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi lĩnh vực xây dựng

Ngày 3/10/2023, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 08/2023 quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc trong lĩnh vực xây dựng.

Cụ thể, đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, có 15 nhóm vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi vị trí như: Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng;…

Tương tự, tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực xây dựng tại chính quyền địa phương cũng có 15 nhóm vị trí phải định kỳ chuyển đổi như: Thẩm định, lập kế hoạch, kiểm soát, giám sát, điều phối, đền bù, giải phóng mặt bằng; kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; thẩm định nhiệm vụ, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng…

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức công tác tại các vị trí nêu trên là từ đủ 3 năm đến 5 năm. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm cấp có thẩm quyền ban hành văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với công chức, viên chức.

Thông tư 08/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 20-11-2023.

Tăng tỷ lệ đạt giải học sinh giỏi quốc gia

Từ ngày 25/11, Thông tư 17/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về Ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia sẽ có hiệu lực. Theo đó, tỷ lệ học sinh đạt giải quốc gia sẽ chiếm 60% số dự thi, tăng 10% so với trước, nhằm phù hợp với thông lệ kỳ thi Olympic.

Số giải nhất, nhì, ba không vượt quá 60% tổng số giải; số giải nhất không vượt quá 5%. Tỷ lệ này nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Thí sinh tham gia nhưng không đạt giải sẽ được cấp giấy chứng nhận để các em có thông tin lưu giữ lâu dài. Đây là điểm khác trước.

Trước đây, Bộ quy định đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị nhiều nhất có 6 thí sinh. Riêng Hà Nội, đội tuyển mỗi môn được tối đa 12 thí sinh. Theo quy định mới, số thí sinh của các đơn vị ở mỗi môn tối đa là 10, riêng TP HCM và Hà Nội là 20.

Với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học), số học sinh được triệu tập không quá 8 lần so với số chính thức đi thi ở từng môn.

Điểm mới nữa là Bộ có thể tuyển chọn thí sinh không thi học sinh giỏi quốc gia năm đó nhưng đã thi Olympic khu vực và quốc tế năm trước liền kề.

Tin khác
1 2 
Tin tức
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1